Nên chọn sếp tốt hay chọn công ty tốt?
Khi lựa chọn một chỗ làm mới, bạn nên chọn sếp tốt hay chọn công ty tốt? Nếu may mắn tìm được công việc trong một công ty danh tiếng cùng sự hỗ trợ nhiệt tình của người sếp giỏi thì điều này thật là tuyệt vời. Nhưng thực tế thì rất ít người có được sự may mắn như vậy. Vậy bạn sẽ chọn sếp tốt hay công ty tốt?
I. Những lý do nên chọn sếp tốt
1. Tiến xa hơn trong khoảng thời gian ngắn
Nếu có những kiến thức bạn chưa từng trải nghiệm, những nghiệp vụ không nắm chắc thì sếp chính là người sẽ hướng dẫn và định hình con đường đi đúng giúp bạn.
Nếu như người khác hoàn thành lộ trình bằng những bước đi ngắn, chậm rãi thì với bạn, những lời chia sẻ của sếp sẽ giúp bạn về đích nhanh hơn.
Điều này đồng nghĩa với việc con đường sự nghiệp của bạn sẽ bớt khó khăn, chênh vênh hơn và bạn sẽ đạt được kết quả trong thời gian ngắn.
Ngoài ra, sếp cũng là người chỉ cho bạn rằng vấn đề này không chỉ có một cách giải quyết. Nếu bạn cố gắng tìm tòi, nghiên cứu thì bạn có thể tìm ra những cách giải quyết khác thú vị hơn.
2. Thay đổi nhân sinh quan
Nhiều người có suy nghĩ “Thành công là lương ngàn đô mỗi tháng, địa vị cao, công ty danh tiếng”. nhưng thực tế, nếu bạn gặp được người sếp tốt thì những điều kia hoàn toàn là vô nghĩa. Mức lương, chức vụ chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Nó không phản ánh được thực lực của một con người. Chỉ khi bạn làm việc với niềm đam mê và sự yêu thích thì đó mới là thành công đáng tự hào.
3. Có cơ hội vấp ngã và đứng dậy
Nếu làm việc trong một công ty lớn, điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ không có một phép thử nào. Vì sai một ly đi một dặm. Khi đó, con số tổn thất sẽ vô cùng to lớn. Và bạn luôn bị bó buộc trong một khuôn khổ, phép tắc, không được thể hiện những quan điểm, ý tưởng của mình.
Nhưng, nếu làm việc dưới một người sếp giỏi, bạn sẽ có cơ hội phá bỏ vùng an toàn của bản thân để thử, để trải nghiệm. Thậm chí, họ còn đồng ý với những ý tưởng điên rồ của bạn vì họ nhìn thấy năng lực thực sự của bạn. Khi đó, bạn được phép sai lầm, được phép vấp ngã để rút ra những kinh nghiệm quý báu cho bản thân.
4. Được sếp công nhận
Sếp có chức vụ càng cao thì lời nói của sếp càng có trọng lượng. Điều này cũng có nghĩa, nếu bạn hoàn thành tốt công việc và được sếp khen ngợi thì bạn cũng đang nhận được sự công nhận của toàn công ty.
Nhận được lời khen ngợi của sếp đồng nghĩa với việc bạn đã gián tiếp chứng minh năng lực của mình và được đồng nghiệp nhìn với một ánh mắt khác. Cũng nhờ đó mà bạn sẽ có thêm năng lực để nỗ lực, sáng tạo, phát triển công việc của mình hơn nữa.
II. Những lý do nên chọn công ty tốt
1. Nhiều cơ hội thăng tiến
Công ty tốt là một công ty có tiếng trong ngành, có hệ thống đánh giá năng lực, cơ chế khuyến khích nhân viên, xếp loại cấp bậc, lộ trình thăng tiến một cách rõ ràng.
Do đó, khi mối quan hệ của bạn với cấp trên có tốt đẹp, hòa hợp hay không thì với năng lực làm việc vượt trội của bạn thể hiện qua những con số, bạn vẫn được đánh giá cao. Và có cơ hội thăng chức rõ ràng, thậm chí có thể là trưởng phòng hoặc giám đốc nếu bạn thực sự có tài năng.
2. Có lợi thế khi chuyển việc
Nếu chọn sếp tốt thay vì chọn công ty tốt, thì bạn đang chấp nhận sự đánh đổi lớn. Nếu không gặp được người sếp như mong muốn thì khoảng thời gian bạn làm việc tại đó thật lãng phí cũng như không tích lũy được nhiều kinh nghiệm.
Do đó, bạn nên chuyển hướng tìm kiếm công ty tốt. Bởi vì không có gì đảm bảo người sếp đó sẽ đối xử tốt với bạn như những gì bạn mong muốn. Khi đó, nếu bạn thấy chán nản và muốn chuyển việc thì một công ty tốt sẽ là một trong những cách thức để bạn “khoe” nền tảng mình đã có trước nhà tuyển dụng.
3. Là bàn đạp tốt cho tương lai
Khi làm việc trong các công ty lớn, đặc biệt là công ty đa quốc gia thì bạn sẽ có những hiểu biết về quá trình vận hành, kinh nghiệm kinh doanh, cách thức quản lý, sai lầm có thể mắc phải,… Đây sẽ là một bàn đạp vững chắc cho bạn nếu bạn đang có ý định mở công ty kinh doanh riêng trong tương lai.
Do đó, với câu hỏi “Nên chọn sếp tốt hay chọn công ty tốt?” thì câu trả lời tùy thuộc vào mong muốn và nhu cầu của mỗi cá nhân. Nhưng việc cần làm nhất là bạn cần phải biết bản thân mình muốn gì, thích gì và năng lực của mình đến đâu trước khi đưa ra quyết định.
(Theo Ketnoiviec.net)